Theo các tư liệu lịch sử và khảo cổ thì từ xa xưa con người đã biết đến liệu pháp trị liệu bằng tinh dầu như là một trong những biện pháp chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp hiệu quả, an toàn, tinh dầu được sử dụng phổ biến ở các nền văn minh cổ đại khác nhau từ đông sang tây: Trung Quốc, Ai Cập, Ba Tư, Hy Lạp….
Liệu pháp xoa bóp chữa bệnh bằng tinh dầu có một lịch sử lâu đời và thú vị. Việc sử dụng liệu pháp này sớm nhất được ghi nhận ở Trung Quốc khoảng 4000 năm trước Công Nguyên. Các kỹ thuật nghiền nát, ngâm, đun sôi rồi chưng cất được sử dụng để chiết tinh dầu từ các loại hoa, lá cây, gỗ. Người Trung Quốc được coi là một trong số những dân tộc đầu tiên sử dụng tinh dầu cho các mục đích chữa bệnh.
Người Ai Cập, Ba Tư, Babylon cũng có niềm say mê mãnh liệt dành cho nước hoa và các loại tinh dầu thơm được chưng cất từ những cánh hoa hồng hay hoa cam. Họ dùng một số lượng lớn các loại tinh dầu thơm và nước dưỡng da trong phòng tắm và trong trang điểm để chăm sóc sắc đẹp. Theo phong tục, các vị Pharaông của Ai Cập được ướp bằng những hương liệu đặc biệt, được cho là để chống phân hủy, trong khi đó, nhân loại cũng sử dụng những chất liệu tương tự cho mục đích chữa bệnh của mình. Một thầy thuốc đồng thời là một triết gia Ba Tư, Avicenna, chính là một trong những người đầu tiên cải tiến quá trình chưng cất và chiết xuất được nhiều tinh dầu nguyên chất hơn.
PHƯƠNG PHÁP TRỊ LIỆU TINH DẦU: THEO DÒNG LỊCH SỬ TỪ CÁC VỊ PHARAONG HUYỀN BÍ ĐẾN XÃ HỘI HIỆN ĐẠI.
Do nhu cầu ngày càng gia tăng về những nguyên liệu quí giá này, những con đường thương mại đã được hình thành bởi những người Hy Lạp và La Mã, những người có mối quan hệ giao thương rộng rãi đã cung cấp một số lượng lớn tinh dầu thơm cho thế giới bấy giờ. Chính người La Mã mang ý tưởng kinh doanh này đến Anh.
Có một số ghi nhận về việc sử dụng tinh dầu ở Châu Âu từ thế kỷ 13 nhưng phải đến thế kỷ 17 mới được Nicholas Culpeper ghi chép và hệ thống hóa. Ông đã viết cuốn sách bỏ túi về cách chữa bệnh bằng thảo mộc đầu tiên, mô tả các phương pháp chữa bệnh bắt nguồn từ hàng trăm loại thảo mộc. Công trình của ông đã trình bày cách thức mà những tinh dầu này tác động đến cơ thể: bằng cách thoa lên da thông qua các tế bào ngoài, các chất lỏng này sẽ đi đến hệ tuần hoàn và mạch bạch huyết, sau đó, lần lượt, chúng sẽ xâm nhập các cơ quan nội tạng. Quá trình cơ bản này diễn ra khác nhau ở mỗi cơ địa khác nhau: có người chỉ cần khoảng nửa giờ nhưng người khác lại cần đến 12 giờ để hoàn tất. Còn sự thẩm thấu vào da thì chỉ mất vài phút.
Sự phát triển của các chất hóa học thay thế ở thế kỷ 19 hầu như đã đánh bại nhu cầu về tinh dầu thiên nhiên mặc dù chúng không có những tác dụng chữa bệnh và hiệu quả tương tư. Tinh dầu thiên nhiên chứa đựng một hỗn hợp phức tạp khác nhau. Mặc dù ngày nay, hầu hết các nguyên tố hóa học đã được tìm thấy, nhưng các nhà hóa học vẫn không thể chế tạo được tinh dầu thay thế với độ chính xác tuyệt đối.
René Gaftefosse, nhà hóa học người Pháp, chính là người đi tiên phong trong việc sử dụng tinh dầu trong y học hiện đại sau khi chữa khỏi vết bỏng của mình bằng tinh dầu hoa oải hương. Ông tiếp tục thành công trong việc chữa trị nhiều trường hợp bị bỏng trong chiến tranh thế giới thứ nhất và phát triển nhiều loại tinh dầu chữa bệnh giờ đây đã trở nên quen thuộc đối với chúng ta. Từ thập niên 1940, Marguérite Maury, nhà sinh hóa và cũng là một bác sĩ thẫm mỹ người Áo, đã tiến hành thí nghiệm công dụng của tinh dầu bằng cách áp dụng vào các biện pháp chữa trị cho những người có các biểu hiện thiếu cân bằng về thể chất, tinh thần và cảm xúc. Cuộc thí nghiệm này của bà là câu trả lời cho việc phát triển các liệu pháp xoa bóp chữa bệnh bằng tinh dầu cũng như các biện pháp chăm sóc da và sắc đẹp khác như chúng ta đã biết ngày nay. Bà là người đầu tiên đưa kỹ thuật sử dụng dầu được pha loãng từ tinh dầu thảo mộc nguyên chất vào việc xoa bóp.
Từ 25 năm qua đã có sự gia tăng đột biến các biện pháp chữa bệnh bằng tinh dầu. Cũng từ đó hình thành nên một phong trào gìn giữ những món quà quý giá của thiên nhiên trong thời đại mà sự tàn phá môi trường đang trở nên vô cùng nghiêm trọng. Một lần nữa, thiên nhiên được nhìn nhận như là một kho báu với những món quà vô giá có thể chữa bệnh cho nhân loại và làm trong lành môi trường.
Sưu tầm